Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam có vô số những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ thể hiện tấm lòng trân quý của nhân dân đối với những người làm thầy, tình cảm trân trọng này đã trở thành nét đẹp văn hóa, thành truyền thống “tôn sư trọng đạo” vô cùng đáng tự hào của dân tộc ta.

Ai trong chúng ta chẳng thuộc những câu ca dao tinh tế như một lời nhắc nhở khôn khéo nhất như thế này: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/ Kính thầy như một, trẻ ơi ghi lòng”, “Sự đời phải nghĩa mà răn/ Phải nuốt lời bạn phải ăn lời thầy/ Dốt kia thì phải cậy thầy/ Vụng kia cậy bạn thì mày mới nên”...
Chỉ với những câu ca dao chân chất mộc mạc của những con người Việt coi trọng tình cảm, tình nghĩa thầy trò cũng đủ thấy nhân dân ta đã khẳng định được vị trí cao cả của người thầy sánh ngang với vị trí của cả một ông vua uy quyền.

Bấy nhiêu thôi cũng đủ để ta nhận thức được một thực tế là nhân dân ta đã ghi nhận vị thế của người thầy ở tầm vóc nào và vị thế của người thầy trong lòng nhân dân được khẳng định ra sao. Điều này càng chứng tỏ được một chân lí: Nhân dân ta luôn có tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người thầy, xác định được tầm quan trọng to lớn của người thầy.

Tất cả mọi người trên thế gian rộng lớn này dù là ai, người dân quê, nhà bác học thậm chí cả ông vua đầy quyền lực, các học giả, các chính khách… đều có người thầy để mình được học, được tôn kính, được nhớ ơn suốt đời. Nhân dân ta cũng luôn xác định được tầm vóc vĩ đại của người thầy nên trong kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có vô số những nhận định về vai trò của người thầy.

Có thể liệt kê ra ở đây những câu đã đi vào đời sống tình cảm của nhân dân ta như: “Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói đố mày làm nên”, “Con ơi nhớ lấy câu này/ Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Đạo thầy nghĩa tớ”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”…

Trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhân dân ta đã để lại cho con cháu, bài học làm người là bài học không quên công ơn thầy cô giáo, một lòng một dạ tôn vinh giá trị cao đẹp của người thầy, khẳng định vị thế của người thầy trong nhân dân, trong cuộc sống càng làm hình ảnh người thầy lung linh hơn cao đẹp hơn.

Chúng ta không bao giờ được phép quên đi những lời giáo huấn đầy đạo lý làm người này: “Trọng thầy mới được làm thầy/ Những phường bất nghĩa sau này ra chi”, “Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”, “Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây/ Ơn cha nghĩa trọng, công thầy cũng sâu…”.

Có thể dẫn chứng ra vô số các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… đã đi vào trái tim những người con đất Việt chúng ta. Những bài học làm người mà nhân dân ta đã để lại là vô cùng quý giá, là tài sản quí báu hơn bất kỳ giá trị vật chất nào, là nền văn hóa chứa đựng các giá trị nhân văn sâu sắc… mà con cháu chúng ta phải giữ gìn, vun đắp, phát triển để các giá trị văn hóa, tài sản quí báu này tồn tại mãi với thời gian trong các dòng chảy không ngừng của lịch sử, làm hành trang cho mọi thế hệ, là những bài học làm người, là kết tinh của những tinh hoa dân tộc.

Nó còn là minh chứng hùng hồn nhất cho vị thế cao cả của người thầy trong lòng nhân dân ta trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Sinh ra từ nền văn hóa hội tụ những nét truyền thống vẻ vang, kết tinh từ những tâm hồn thuần Việt, những thầy giáo, cô giáo từ xưa đến nay luôn luôn xứng đáng là những người có vị thế quan trọng trong nhân dân, những người thầy luôn xứng danh là “những kỹ sư tâm hồn”, xứng đáng đứng trong đội ngũ của “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Theo Nguyễn Thị Ngọc Lan