Bên cạnh bộ phận văn học viết, văn học dân gian là phần không thể thiếu của nền văn học dân tộc. Ngoài các thần thoại, truyền thuyết, cổ tích thì tục ngữ, ca dao được xem như cuốn “bách khoa toàn thư” của người dân lao động, khái quát và phản ảnh muôn màu cuộc sống trong suốt tiến trình lịch sử. Qua ca dao, tục ngữ, chúng ta thấy được hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội, nhân sinh… Và trong muôn mặt phong phú đó, người phụ nữ cũng là một chủ đề lớn, giúp chúng ta có thể cảm nhận được nhiều điều về con người, về lịch sử văn hóa dân tộc.

Trước hết, nói về người phụ nữ, người ta hay nghĩ tới những “thân phận” nhỏ bé, bên lề bởi Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc vốn “trọng nam khinh nữ”, tồn tại những quan niệm bất bình đẳng như: “nam tôn nữ ti” (đàn ông là trọng, đàn bà thấp kém), “nam ngoại nữ nội” (đàn ông gánh vác những trọng trách lớn ngoài xã hội còn nhiệm vụ của đàn bà chỉ lo việc nhà), “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai vẫn là có, mười gái vẫn là không)… Hình ảnh người phụ nữ do vậy thường gắn với các cụm từ “kiếp đàn bà”, “phận đàn bà”. Trong ca dao, không ít câu nói lên kiếp người, thân phận mong manh, phụ thuộc của chị em phụ nữ. Mấy ai không ngậm ngùi khi đọc những câu:

“Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

“Thân em như phận con rùa/ Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia”

“Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống nước, hạt ra ngoài đồng”

“Thân em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”

“Thân em như chổi đầu hè/ Phòng khi mưa gió đi về chùi chân/Chùi rồi lại vứt ra sân/Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”

“Thân em như rau muống dưới hồ/ Nay chìm mai nổi biết ngày mô cho thành?”

“Em như cây quế hồng hoa/ Trồng nơi đất xấu không ra được chồi”.

Bao nhiêu câu hát than thân của người phụ nữ từng được sáng tác, lan truyền và câu nào cũng có sự liên hệ, liên tưởng đến những thứ nhỏ bé, nổi trôi: tấm lụa đào, hạt mưa sa, giếng giữa đàng, chổi đầu hè... Qua những hình ảnh so sánh thật sinh động và cũng rất gần với đời thường, các câu ca dao đã tạo nên nhiều cảm xúc. Tưởng chừng như những gì kém vẻ vang nhất, đều thuộc về người phụ nữ. Mỗi câu ca dao có 2 vế: vế đầu là sự so sánh, gợi cảm giác thân phận; vế 2 cụ thể hóa thân phận đó qua hàng loạt các động từ như: phất phơ, lên/ xuống, chìm/nổi… Tất cả tạo nên một dòng cảm xúc buồn thương không ngừng lan tỏa từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, người phụ nữ thời phong kiến đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại sao?”.

Như mọi người đều biết, ca dao là thể loại truyền miệng thuộc văn học dân gian nhưng lại có nhiều đặc tính gần gũi với thơ ở tính trữ tình của nó. Con người ta có thể gửi gắm tâm tư tình cảm và trải lòng mình nhờ ca dao. Qua khảo sát bước đầu hệ thống ca dao viết về người phụ nữ Việt Nam, chúng tôi thấy nhiều câu nói về thân phận chị em, mà mỗi câu, mỗi từ được thốt ra như tiếng lòng thổn thức và đầy chua xót, đắng cay. Có thể nói rằng, những câu ca trên là sản phẩm của môt thời kỳ lịch sử mà thân phận người phụ nữ phải chịu nhiều éo le. Mỗi câu ca dao là một lời than.

Song nhìn lại toàn bộ tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam từ thời nguyên thủy cho đến nay, chúng ta thấy, đó chỉ là một phương diện. Bởi đó là người phụ nữ của thời phong kiến, chỉ coi trọng đàn ông, xem thường phụ nữ. Còn trước khi văn hóa Trung Hoa xâm nhập vào, chúng ta đã có nền văn hóa bản địa đánh giá cao vị trí, vai trò người phụ nữ.

Họ là lực lượng sản xuất không thể thiếu trong mỗi gia đình, cộng đồng, cùng các thành viên khác (đặc biệt là người chồng) hợp tác với nhau để lao động, sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước). Chẳng vậy mà ca dao có câu quen thuộc: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Hình ảnh người phụ nữ cùng chồng “cày sâu cuốc bẫm”, “chân lấm tay bùn” tỉ mỉ và khéo léo, kiên nhẫn, bền bỉ…trên những luống cày, thửa ruộng đã góp phần không nhỏ tạo nên những mùa màng bội thu nhằm tăng năng suất và phát triển kinh tế trong phạm vi không chỉ hộ gia đình mà còn tạo nhiều của cải vật chất. Chính vì thế, từ hàng chục năm nay, Việt Nam mới trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ không chỉ hiện diện trên cánh đồng mà còn trong nhiều công việc khác liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp truyền thống. Trong ý nghĩa như vậy, ca dao còn khắc họa chân dung họ trong các việc trồng rau (Đi đâu mà chẳng biết ta/ Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau), nuôi tằm, dệt lụa (Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng), làm giấy (Người ta buôn vạn bán ngàn/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi) và buôn bán nhỏ lẻ: “Cô em buôn bán chỉ tơ/ Bên ngọn sông Bờ, bên cuối sông Thao”. Hình ảnh “thân cò” do vậy cũng là hình ảnh quen thuộc mà ca dao hay dùng để nói về sự lam lũ, vất vả của người phụ nữ: “Nước non lận đận một mình/ Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”, “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”…

Trong phạm vi gia đình, người phụ nữ cũng có vai trò cực kỳ quan trọng. Với thiên tính nữ, họ là “đấng sinh thành mang nặng đẻ đau”. Nói như nhà thơ Huy Cận: “Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi. Hồn thiêng đất nước còn ngồi bên con”. Ngay từ thuở còn nằm nôi, lời ru của mẹ với những ca từ đằm thắm, ngọt ngào đã nuôi con cả phần xác lẫn phần hồn: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ năm canh”; “À ơi, à ời/ Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về/ Bắt được con trắm con trê/ Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn”. Rồi những lúc trái gió trở trời, người mẹ đứng ra hứng chịu tất cả: “Nuôi con chẳng quản chi thân/ Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”. Chính những lời ru của mẹ, của bà đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ thì khi mới lọt lòng như lời thơ Nguyễn Duy: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Vẫn nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có hai câu rất thấm thía: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Có thể nói, không có các bà mẹ thì không có hát ru. Trong ý nghĩa ấy, người phụ nữ đã sáng tạo và bảo tồn một loại di sản văn hóa dân tộc thật đặc biệt.

Với người chồng, trong ca dao truyền thống, chị em phụ nữ hết mực yêu thương: “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người” hoặc: “Trời mưa ướt lá trầu vàng/ Ướt em em chịu, ướt chàng em thương”... Phụ nữ trong gia đình không chỉ sinh con, đẻ cái mà còn là nơi giữ lửa, xây dựng tổ ấm. Tục ngữ có có câu: “Chim xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là ngụ ý như vậy. Ca dao cũng cất lên những lời ca ngợi: “Những người thắt đáy lưng ong/ Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Vậy nên, người xưa quan niệm, lấy được người vợ vừa hiền dịu, vừa đảm đang là một tài sản quý giá vô cùng: “Làm trai lấy được vợ hiền/ Như cầm đồng tiền mua được của ngon”. Tục ngữ cũng đúc kết rằng, với đàn ông thì vợ là người làm cho họ mở mày mở mặt: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”.

Rõ ràng, trong quan niệm của dân gian và cũng là truyền thống văn hóa dân tộc, người phụ nữ bình đẳng với nam giới trên nhiều phương diện, chứ không hề bị xem nhẹ. Ca dao có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” là một so sánh cực kỳ độc đáo, nhấn mạnh vai trò to lớn của người mẹ, không kém người cha. Họ luôn sóng đôi cùng nhau: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Người vợ cùng chồng quán xuyến mọi việc, cả đối nội lẫn đối ngoại, chứ không chỉ quẩn quanh mỗi việc bếp núc, nhà cửa, con cái… Tục ngữ Việt Nam có câu: “Của chồng công vợ” hay “gái có công, chồng chẳng phụ” là chỉ sự đóng góp về mặt kinh tế giữa đàn bà và đàn ông trong gia đình. Đặc biệt, đối với việc giáo dưỡng con cái thì phụ nữ được coi trọng hơn đàn ông. Không phải ngẫu nhiên, mà tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói đến vai trò của người phụ nữ trong việc giáo dục con cái như: Con dại cái mang; Cha sinh không bằng mẹ dưỡng; mẹ ngoảnh đi, con dại; mẹ ngoảnh lại, con khôn… “Phúc đức tại mẫu” là câu tục ngữ cực kỳ sâu sắc, kết tinh truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Thậm chí, đôi khi vai trò của người phụ nữ quan trọng hơn cả đàn ông: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Ca dao từng có những câu tôn vinh giá trị của người phụ nữ: “Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi”.

Tạo hóa sinh ra phụ nữ như là đại diện cho bản sắc văn hóa linh hoạt của dân tộc: vừa dịu dàng, vừa bản lĩnh; vừa là người chủ trong gia đình, lại vừa là người phục vụ; dù được tôn trọng nhưng vẫn không ỷ lại. Chính vì vậy, người phụ nữ đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Điều đó giải thích vì sao phần lớn các hình thức tín ngưỡng ở ta đều gắn với yếu tố nữ và người phụ nữ trở thành đối tượng được tôn vinh trong đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Nào là các nghi lễ cúng Mẹ Lúa, các tín ngưỡng thờ nữ thần nông nghiệp, các loại hình thờ Mẫu… Câu chuyện về “Sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ” thời lập quốc là minh chứng rõ nét cho “nguyên lý Mẹ” của người Việt Nam: “Mẹ đem lên ở Tản Viên/ Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô/ Bao nhiêu đồi núi đống gò/ Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi” (Thiên nam ngũ lục).

Điểm qua một số câu ca dao, tục ngữ viết về phụ nữ Việt Nam, chúng ta thấy, trong lịch sử dân tộc, chị em có một vai trò thật quan trọng. Với thiên tính nữ, họ không chỉ làm mẹ, làm vợ mà còn góp phần tạo nên nhiều nét thuần phong mỹ tục, dạy dỗ con cái, giữ gìn gia đạo và bảo tồn nét đẹp dân tộc./.

TS. Hà Đan